Mất tập trung, một thiên tài cũng trở nên vô dụng

Đăng ngày 07/11/2023 lúc: 09:27

Một cầu thủ bóng đá mất tập trung, có thể không nhận được đường chuyền của đồng đội. Một ca sĩ mất tập trung, có thể hát sai nhịp, quên lời. Một giám đốc mất tập trung, không biết cần phải làm gì và giao việc cho ai… Mất tập trung thì đến thiên tài cũng trở nên vô dụng, huống chi là những người bình thường. Nhưng vì sao lại mất tập trung? Làm cách nào để khắc phục việc mất tập trung? Bài viết này sẽ giải đáp cho các bạn.

Mất tập trung là gì?

Là trạng thái mà Thân ta ở đây nhưng Tâm ta lại không có mặt ở đây. Miệng ta đang nói về chủ đề A nhưng Tâm ta đang nghĩ hoặc lo về chủ đề B, C, D nào đó. Mặc dù ta mong muốn nói những điều có lợi nhất cho người nghe, mặc dù ta muốn làm tốt công việc của mình nhưng sự mất tập trung sẽ khiến ta làm sai hoặc làm không tốt như năng lực mà ta có thể làm.

Câu chuyện về mất tập trung của tôi

Thỉnh thoảng tôi có những buổi chia sẻ về marketing trong những buổi hội thảo. Có những hôm tôi nói hăng hái và nhận được những tràng vỗ tay nhiệt liệt của khán giả. Nhưng lại có những hôm tôi nói không chất lượng, dẫn dắt chủ đề thiếu liền mạch, khán giả buồn ngủ,.. kết quả buổi hôm đó coi như tôi thất bại và không hoàn thành trách nhiệm.

Sau đó, tôi tìm hiểu nguyên nhân của ngày tôi thành công và ngày tôi thất bại, tôi phát hiện ra rằng, mấu chốt của thành công và thất bại trong những buổi đó cũng như các việc khác cũng thế, đó là 2 chữ TẬP TRUNG.

Vì sao lại mất tập trung và cách khắc phục

Chúng ta có thể mất tập trung bởi 1 trong số các lý do sau:

Sức khỏe

Một người có sức khỏe không tốt thì khó có thể tập trung vào việc làm ăn, kinh doanh. Tệ hơn là họ không thể làm gì ngoài việc nghĩ đến sức khỏe. Do vậy, thói quen tập thể dục mỗi ngày là điều nên làm. Tránh các hoạt động làm mất sức khỏe như uống rượu bia, chất kích thích hoặc quan hệ nam nữ bữa bãi và ngay cả quan hệ với vợ chồng cũng cần phải rất tiết chế, đặc biệt là những lúc bạn rất cần sức khỏe và sự tập trung cho một sự kiện quan trọng phía trước.

Cảm xúc

Vui hay buồn đều có thể ảnh hưởng đến sự tập trung. Tâm của chúng ta chia thành 2 loại; Động Tâm và Tĩnh Tâm. Mọi cảm xúc của chúng ta đều là biểu hiện của Động Tâm. Còn trạng thái tĩnh lặng không cảm xúc thì gọi là Tĩnh Tâm. Rất tiếc rằng, nhiều người không thích cũng như không có được trạng thái Tĩnh Tâm mà hầu hết chúng ta lại thích trạng thái Động Tâm. Trí tuệ khó phát sinh ở trạng thái Động Tâm. Sự tập trung cũng không có được ở trạng thái đó. Và rồi chúng ta sẽ gặp thất bại.

Do vậy, để có sự tập trung cũng như sự Tĩnh Tâm, chúng ta cần có sức khỏe của thân thể và sự vững vàng của Tâm, không dễ bị lung lay sang vui, hay buồn hoặc bị kích động.

Tư tưởng

Suy nghĩ của ta thường ít khi đứng yên mà nó thường chạy nhảy ở chỗ này hoặc chỗ kia, vấn đề này hoặc vấn đề kia. Thật không may, trong những lúc rất cần sự tập trung tư tưởng cho vấn đề mà ta cần làm thì tư tưởng của ta lại bị dẫn dắt bởi một vấn đề khác, chủ đề khác không liên quan hoặc không hỗ trợ cho vấn đề chính mà ta cần làm.

Sự mất tập trung đã diễn ra và khi cần thực hiện công việc chính của mình, những tư tưởng của các vấn đề không liên quan đã lấn át và ta không thể làm đưa ra được những dữ liệu quan trọng để dẫn dắt những hành động phù hợp và chất lượng nhất.

Mong muốn

Nếu chúng ta có mong muốn trái ngược với kết quả của hành động hiện tại thì chúng ta cũng không thể có sự tập trung. Giả sử, nếu chúng ta làm tốt công việc hiện tại, chúng ta sẽ có được kết quả A nhưng lại mất kết quả B, và ta cũng rất tiếc kết quả B. Do vậy, chúng ta vừa làm việc A để đạt kết quả A nhưng lại cũng không muốn nỗ lực đến cùng vì sợ sẽ mất kết quả B.

Hoàn cảnh

Hoàn cảnh có thể làm ta mất tập trung. Ví dụ như các âm thanh, ánh sáng, con người và mọi đối tượng có thể tác động vào 6 giác quan của ta đều có thể làm Tâm ta chú ý đến nó. Nếu các đối tượng kia đều liên quan và bỗ trợ cho công việc chính thì nó cũng có thể giúp ta hoàn thành tốt việc của mình. Nhưng đa phần, các tác động đó đều có thể gây mất tập trung và khiến ta thất bại.

Do vậy, chúng ta cần phải tạo ra cho mình một môi trường trong lành và khả năng không bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh “tâm bất biến giữa dòng đợi vạn biến” thì khi đó chúng ta sẽ đạt được đến sự tập trung tốt nhất và thành công sẽ đến với chúng ta.

Kết luận

Hậu quả của mất tập trung là vô cùng đắt giá tùy thuộc vào vị trí và nhiệm vụ của bạn mà sẽ phải nhận những thất bại tương ứng. Do vậy, hiểu về sự mất tập trung và cách khắc phục như phân tích ở bài viết này sẽ giúp bạn tránh những thất bại đó và mở đường cho sự thành công nhờ việc rèn luyện sự tập trung đúng đắn.

Chúc bạn thành công!

5/5 - (3 bình chọn)

Trả lời